English
  • asda

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 19/4/2023

Khí đốt dự trữ của châu Âu cao kỷ lục; Ấn Độ và Trung Quốc mua dầu thô Nga trên mức giá trần; “Ông lớn” dầu mỏ vùng Vịnh tích cực gom dầu giá rẻ của Nga… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 19/4/2023.

Tổng dung lượng lưu trữ khí đốt của EU đạt 55,7% công suất vào đầu tháng 4. Ảnh minh họa: PB

Khí đốt dự trữ của châu Âu cao kỷ lục

Liên minh châu Âu (EU) đang có lượng khí đốt dự trữ ở mức kỷ lục sau một mùa đông ôn hòa hơn dự đoán. Điều đó thắp lên hy vọng về việc khối này có thể giảm phụ thuộc vào khí đốt nhập khẩu từ Nga.

Tổng dung lượng lưu trữ khí đốt của EU đạt 55,7% công suất vào đầu tháng 4, theo dữ liệu của Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu (GIE), cơ quan đại diện cho các nhà điều hành kho lưu trữ khí đốt ở châu Âu. Khoảng từ năm 2011 đến nay, đây là công suất dự trữ khí đốt cao nhất của EU vào đầu tháng 4 hàng năm. Công suất dự trữ này cao hơn khoảng 20 điểm phần trăm so với mức trung bình trong 5 năm trước và đã tăng lên 56,5% trong 2 tuần qua.

“Các kho dự trữ khí đốt của EU đã đầy hơn một nửa. Điều đó có nghĩa là chúng tôi kết thúc mùa sưởi ấm này ở một vị trí thuận lợi”, Cao ủy Năng lượng của EU, Kadri Simson nói với Financial Times, đồng thời nhấn mạnh, hiện tại EU có khả năng giảm nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga.

Ấn Độ và Trung Quốc mua dầu thô Nga trên mức giá trần

Tính đến tháng 4, Ấn Độ và Trung Quốc đã mua phần lớn dầu của Nga với mức giá cao hơn mức giá trần của phương Tây là 60 USD/thùng, theo các thương nhân và tính toán của Reuters. Bất chấp những nỗ lực của phương Tây nhằm hạn chế ngân sách thu về từ năng lượng của Điện Kremlin, Nga đang có doanh thu cao hơn nhiều so với dự đoán.

Theo các thương nhân, mức chiết khấu trung bình đối với dầu thô Ural (Nga) là 13 USD/thùng so với dầu Brent - xác định trên cơ sở DES (giao hàng đã xuất xưởng) tại các cảng Ấn Độ và 9 USD đối với dầu Brent ICE tại các cảng Trung Quốc. Trong khi đó, chi phí vận chuyển lần lượt là 10,5 USD/thùng và 14 USD/thùng để vận chuyển hàng hóa từ các cảng Baltic đến Ấn Độ và Trung Quốc.

Điều đó có nghĩa là giá Urals trên cơ sở giao hàng tự do (FOB) tại các cảng Baltic, tính thêm khoảng 2 USD/thùng cho chi phí vận chuyển bổ sung, đã cao hơn một chút so với 60 USD/thùng cho đến tháng 4, tính toán của Reuters cho thấy.

“Ông lớn” dầu mỏ vùng Vịnh tích cực gom dầu giá rẻ của Nga

Các nước vùng Vịnh, khu vực có trữ lượng dầu lửa lớn nhất thế giới, hiện đang tích cực gom dầu thô và nhiên liệu giá rẻ của Nga để sử dụng trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm dầu mỏ tự sản xuất với giá thị trường để tăng lợi nhuận, theo Wall Street Journal.

Giá cả là nhân tố chính khiến các nước vùng Vịnh hào hứng mua dầu Nga. Do phương Tây áp giá trần và các biện pháp trừng phạt khác, dầu thô Urals của Nga thường được giao dịch ở mức chiết khấu hơn 30% so với giá dầu Brent chuẩn quốc tế trong những tháng gần đây. Bên cạnh đó, các nước vùng Vịnh cũng đang đẩy mạnh nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ tinh chế như naphtha và dầu diesel của Nga.

Hồi tháng 2, Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Brian Nelson đã thăm Trung Đông để cố gắng thuyết phục Saudi Arabia, UAE và Thổ Nhĩ Kỳ thực thi các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy các nước vùng Vịnh cắt giảm nhập khẩu dầu và nhiên liệu của Nga.

Nga và Venezuela tăng cường hợp tác về dầu khí

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov ngày 19/4 cho biết Nga và Venezuela sẽ tăng cường hợp tác sản xuất dầu mỏ và phát triển các cơ sở khí đốt, cũng như nhiều dự án khác.

Trả lời phỏng vấn sau cuộc thảo luận với người đồng cấp Venezuela Ivan Gil Pinto, Ngoại trưởng Lavrov nêu rõ Nga có nhiều dự án được lên kế hoạch trong lĩnh vực sản xuất dầu mỏ, phát triển các mỏ khí đốt, nông nghiệp, y tế và dược phẩm, truyền thông, không gian và công nghệ mới.

Trong những lĩnh vực này, Nga sẽ mở rộng quy mô và đẩy nhanh tốc độ hợp tác, tiếp tục tích cực sử dụng những cơ chế hiện hành cho mục đích này, bao gồm cả một ủy ban liên chính phủ cấp cao. Ông Lavrov cũng nhấn mạnh rằng Nga và Venezuela đã nhất trí các biện pháp thiết thực nhằm mở rộng hợp tác trong lĩnh vực thương mại, đầu tư và tăng cường quan hệ của giới doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

Ấn Độ và Nga nhất trí giải quyết thâm hụt thương mại

Ngày 18/4 Ấn Độ và Nga đã nhất trí hợp tác giải quyết thâm hụt thương mại và các vấn đề tiếp cận thị trường nhằm khai thác toàn bộ tiềm năng của mối quan hệ kinh tế song phương sau khi phía Ấn Độ bày tỏ lo ngại về thâm hụt ngày càng lớn khi thương mại hai chiều chạm mức 45 tỷ USD, chủ yếu do Ấn Độ tăng nhập khẩu dầu từ Nga.

Hai bên cũng đã thảo luận về các cách thức nhằm thúc đẩy hai nước tham gia tích cực hơn vào thương mại, tài chính và năng lượng quốc tế, bao gồm cả năng lượng hạt nhân.

Đại sứ quán Nga tại New Delhi ra thông báo nêu rõ: “Mối quan hệ giữa Nga và Ấn Độ tiếp tục phát triển dần dần theo mọi hướng. Vào năm 2022, bất chấp các yếu tố bên ngoài tiêu cực, động lực tích cực trong thương mại Nga-Ấn đã chiếm ưu thế”, ám chỉ tác động của các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga.

https://petrovietnam.petrotimes.vn/

Copyright © 2018 PVOIL. All right reserved. Designed by Cánh Cam.

TOP