English
  • asda

Nhịp đập thị trường năng lượng ngày 29/3/2023

Các ngân hàng của Nhật Bản hợp vốn giúp Việt Nam phát triển năng lượng tái tạo; Mỹ thế chân Nga trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất của EU; Italy tiếp tục hỗ trợ người dân thanh toán hóa đơn năng lượng… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng trong nước và quốc tế ngày 29/3/2023.

Các ngân hàng của Nhật Bản hợp vốn giúp Việt Nam phát triển năng lượng tái tạo

Các ngân hàng gồm Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Ngân hàng Mizuho, Ngân hàng Joyo và Ngân hàng Shiga, sẽ cung cấp hạn mức tín dụng trị giá 300 triệu USD cho các doanh nghiệp Việt Nam thông qua Vietcombank.

Theo báo Nikkei Asia, bằng cách sử dụng gián tiếp thông tin tín dụng của Vietcombank, các ngân hàng Nhật Bản hy vọng rằng các khoản vay có độ rủi ro cao có thể được cung cấp nhanh chóng.

Việt Nam đã đặt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Việc mở rộng khai thác năng lượng tái tạo là chìa khóa để đạt được mục tiêu này. Vào tháng 1, JBIC đã đưa ra một tuyên bố chung về Khung tài chính khí hậu của Việt Nam, nhằm hợp tác với các tổ chức tài chính của Chính phủ Mỹ Australia và các tổ chức khác để thúc đẩy quá trình khử carbon của Việt Nam. Dự án đồng tài trợ của bốn ngân hàng Nhật Bản là dự án đầu tiên của JBIC trong khuôn khổ này.

Nga tuyên bố chuyển hướng hoàn toàn hoạt động xuất khẩu dầu bị cấm vận

Bộ trưởng Năng lượng Nikolai Shulginov 28/3 tuyên bố Nga đã chuyển hướng thành công hoạt động xuất khẩu dầu bị ảnh hưởng bởi chế tài phương Tây sang các nước “thân thiện”.

"Các biện pháp trừng phạt không chỉ liên quan đến mức sản xuất và lọc dầu mà còn ảnh hưởng cả xuất khẩu, cũng như nguồn thu ngân sách liên bang... Do đó, Nga đang điều hướng lại nguồn cung dầu và các sản phẩm dầu đến các quốc gia châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh và Trung Đông. Hôm nay, chúng tôi có thể tuyên bố Nga đã xoay sở để chuyển hướng hoàn toàn khối lượng dầu xuất khẩu bị cấm vận, không có sự sụt giảm doanh số bán hàng", Bộ trưởng Năng lượng Nikolai Shulginov nói.

Theo giới phân tích, Nga đang né việc phương Tây áp đặt giới hạn giá dầu xuất khẩu của Nga, cũng như áp hạn chế đối với lĩnh vực bảo hiểm hàng hải bằng cách sử dụng tàu không phụ thuộc vào bảo hiểm hoặc tài chính của phương Tây.

Mỹ thế chân Nga trở thành nhà cung cấp dầu thô lớn nhất của EU

CNN dẫn dữ liệu của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 28/3 cho biết, không phải Nga, nước xuất dầu thô nhiều nhất sang châu Âu giờ là Mỹ. Theo Eurostat, đây là một bước ngoặt lớn.

Tính đến cuối tháng 1/2022, Nga vẫn là nhà cung cấp dầu thô hàng đầu Liên minh châu Âu (EU) với 31% tổng lượng nhập khẩu. Mỹ đứng vị trí thứ 2 với 13%. Lượng dầu thô của Nga xuất sang EU trồi sụt trong tháng 2-4/2022. Đến tháng 9/2022 liên tục đà giảm, đến tháng 12/2022 chỉ còn chiếm 4% tổng lượng nhập của EU. Trong khi đó, lượng xuất khẩu của Mỹ liên tục tăng. Trong tháng 12/2022, 18% lượng dầu thô nhập khẩu của khối đến từ Mỹ.

Bên cạnh đó, tỉ trọng nhập khẩu khí đốt tự nhiên ở EU cũng có sự thay đổi mạnh. Dữ liệu của Eurostat cho thấy tỉ trọng nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga ở EU đã giảm mạnh, từ 31% trong quý đầu năm 2022 xuống còn gần 19% vào cuối năm 2022. Trong khi đó, thị phần khí đốt Mỹ xuất sang EU tăng lên 20%, trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn thứ 2 của EU sau Na Uy với 31%.

Italy tiếp tục hỗ trợ người dân thanh toán hóa đơn năng lượng

Ngày 28/3, Chính phủ Italy đã thông qua một loạt các biện pháp mới trị giá gần 5 tỷ euro (5,41 tỷ USD) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp và các hộ gia đình đối phó với chi phí năng lượng tăng cao.

Trong quý 1/2023, chính phủ đã dành trong ngân sách năm 2023 nhằm giảm bớt tác động của giá năng lượng tăng cao đối với nền kinh tế. Trong khuôn khổ gói hỗ trợ mới, Bộ Tài chính Italy sẽ gia hạn thời gian hỗ trợ đến tháng 6 tới nhằm giảm hóa đơn năng lượng mà các hộ gia đình có thu nhập thấp phải trả.

Chính phủ Italy cũng giảm thuế bán hàng đối với các nguồn cung khí đốt xuống 5%, từ mức hiện tại là 10% và 22%. Quy định này sẽ được áp dụng trong 3 tháng tới. Những ưu đãi thuế riêng biệt cũng sẽ hỗ trợ đáng kể cho các doanh nghiệp Italy có chi phí cho điện năng và khí đốt trong quý 1/2023 tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019. Ưu đãi phí cố định để bù đắp chi phí sưởi ấm cho các gia đình cũng sẽ có hiệu lực từ tháng 10 đến tháng 12 năm nay.

Hungary lại phản đối EU tìm cách ngăn nhập khẩu LNG từ Nga

Các Bộ trưởng Năng lượng Liên minh châu Âu (EU) nhóm họp ở Brussels hôm 28/3 đã đề xuất các quy tắc thị trường khí đốt mới của khối nhằm giúp các chính phủ tạm thời ngăn các nhà xuất khẩu khí đốt của Nga và Belarus đấu thầu cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở châu Âu.

Đề xuất này là một phần trong lập trường của các quốc gia về các quy tắc thị trường khí đốt mới của EU. Nếu được Nghị viện châu Âu thông qua, đề xuất này sẽ cung cấp cho các quốc gia thành viên một lộ trình để ngăn chặn việc nhập khẩu LNG từ Nga mà không cần phải dùng đến các biện pháp trừng phạt, vốn khó được thông qua hơn về mặt chính trị vì cần có sự chấp thuận nhất trí của tất cả 27 quốc gia thành viên EU.

Hiện Hungary cho biết họ không thể ủng hộ quan điểm đàm phán của các nước EU về luật này, vốn cũng bao gồm một loạt quy tắc mới để tích hợp nhiều loại khí carbon thấp hơn.

https://petrovietnam.petrotimes.vn/

Copyright © 2018 PVOIL. All right reserved. Designed by Cánh Cam.

TOP