OPEC+ muốn những người bán khống giá dầu thiệt hại đáng kể; Đức tăng nhập khẩu dầu qua đường ống của Nga; Mỹ trở thành nhà cung cấp LNG hàng đầu cho EU… là những tin tức nổi bật về thị trường năng lượng ngày 4/4/2023.
Dầu từ Kazakhstan sẽ được bơm qua đường ống Druzhba của Nga dẫn đến Ba Lan trước khi được vận chuyển đến Đức. Ảnh: Bloomberg
OPEC+ muốn những người bán khống giá dầu thiệt hại đáng kể
Theo các nguồn tin, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (OPEC+) đã bắt đầu nhận thấy sự cần thiết phải thay đổi chính sách dầu mỏ vào ngày 20/3 khi giá dầu Brent giảm xuống mức thấp nhất trong 15 tháng gần 70 USD/thùng do khủng hoảng ngân hàng đe dọa làm suy yếu nền kinh tế. Động thái cắt giảm sản lượng này là hoàn toàn bất ngờ và cụ thể là OPEC+ đã nhắm vào những người bán khống dầu mỏ.
Trong quá trình chuẩn bị cho cuộc họp của OPEC+ vào ngày 3/4, Hoàng tử Abdulaziz đã nhiều lần nói rằng OPEC+ sẽ giữ sản lượng ổn định trong cả năm để giữ cho thị trường ổn định. Tuy nhiên, thông báo bất ngờ được đưa ra vào buổi chiều 2/4 ở châu Âu, khi thị trường đóng cửa, thời điểm công bố đã được lựa chọn để có tác động tối đa. Sau đó, giá dầu Brent đã tăng hơn 6 USD/thùng khi thị trường châu Á mở cửa, và là mức tăng lớn nhất trong hơn một năm.
Amrita Sen, Giám đốc nghiên cứu tại Energy Aspects cho biết: “Thị trường đã trở thành sân chơi cho những người bán khống này và OPEC+ muốn loại bỏ họ. OPEC+ đang đang nói hãy tiếp tục với chúng tôi, nhưng bạn sẽ gặp nguy hiểm".
Mỹ nỗ lực kiềm chế giá xăng dầu sau quyết định của OPEC+
Phản ứng trước quyết định cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+ hôm 2/4, Nhà Trắng mới đây cho biết quyết định của OPEC+ là không nên làm trong điều kiện thị trường hiện tại. Chính quyền Biden cũng cho biết Mỹ sẽ làm việc với các nhà sản xuất và người tiêu dùng với trọng tâm là giá xăng dầu cho người Mỹ.
Mặc dù OPEC+ đảm bảo trước đó rằng tổ chức này sẽ giữ ổn định nguồn cung và không đặt ra rủi ro mới cho nền kinh tế toàn cầu, nhưng đây là một mức giảm đáng kể đối với thị trường khi nguồn cung khan hiếm vào cuối năm.
Động thái bất ngờ này một lần nữa có thể thổi bùng căng thẳng giữa Mỹ và Saudi Arabia, đối tác khu vực có quan hệ căng thẳng với chính quyền Tổng thống Joe Biden. Tổng thống Biden đã thực hiện một chuyến đi gây tranh cãi đến khu vực này vào tháng 7 năm ngoái, nhưng đã không có bất kỳ cam kết nào về sản xuất.
Nga và UAE nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cắt giảm sản lượng dầu
Điện Kremlin ngày 3/4 khẳng định việc hỗ trợ giá dầu mỏ và các sản phẩm liên quan đến dầu là mối quan tâm của ngành năng lượng thế giới. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh việc các nước thành viên của OPEC+ ra tuyên bố cắt giảm sản lượng tự nguyện là nhằm duy trì mức giá phù hợp cho dầu và các sản phẩm liên quan đến dầu.
Khi được hỏi liệu Nga có phối hợp hành động với OPEC+ hay không, ông nêu rõ Moskva thường xuyên liên lạc với các thành viên của tổ chức và điều này là hoàn toàn bình thường. Theo ông, mỗi quốc gia đều có quan điểm riêng và lợi ích riêng trong việc bình ổn thị trường.
Cùng ngày, Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait Bader al Mulla khẳng định việc các nhà sản xuất dầu mỏ của OPEC+ cắt giảm sản lượng là biện pháp mang tính phòng ngừa và nhằm mục đích bình ổn thị trường.
Đức tăng nhập khẩu dầu qua đường ống của Nga
Công ty Kaztransoil, nhà điều hành đường ống nhà nước Kazakhstan, có kế hoạch tăng nguồn cung dầu cho Đức thông qua đường ống Druzhba của Nga lên 100.000 tấn trong tháng này. Đến nay họ đã vận chuyển thành công 2 chuyến hàng 20.000 tấn dầu qua đường ống đến Adamowo-Zastawa ở Ba Lan. Từ đó, số dầu sẽ được vận chuyển đến nhà máy lọc dầu PCK của Đức ở Schwedt.
Việc vận chuyển dầu của Kazakhstan tới Liên minh châu Âu (EU) đã được Moskva bật đèn xanh vào tháng 1. Theo thỏa thuận, Kazakhstan dự trữ 1,2 triệu tấn công suất đường ống để vận chuyển vào năm 2023, bao gồm 300.000 tấn trong quý đầu tiên. Đến nay mới cung cấp được 40.000 tấn.
Dầu Kazakhstan hấp dẫn Đức vì có thành phần tương tự như loại dầu Urals của Nga mà nước này sử dụng. Cơ sở hạ tầng đường ống Druzhba hiện tại cũng được coi là loại bỏ các vấn đề hậu cần bổ sung cho Berlin. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng Kazakhstan đang phải vật lộn để tìm đủ dầu đáp ứng các yêu cầu của châu Âu và có thể không đủ khả năng tăng sản lượng để thay thế các nguồn cung cấp từ Nga.
Mỹ trở thành nhà cung cấp LNG hàng đầu cho EU
Mỹ trở thành nhà cung cấp LNG hàng đầu cho Liên minh châu Âu (EU), chiếm 52% lượng giao hàng sau khi tăng gấp đôi mục tiêu cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) cho châu Âu lên thành 56 tỷ m3. Trong một năm, Mỹ đã tăng hơn gấp đôi mục tiêu cung cấp thêm LNG cho EU và trở thành nhà cung cấp hàng đầu cho lục địa này.
Đây là thông tin do hai đối tác cho biết hôm 3/4, trước thềm cuộc họp Hội đồng năng lượng EU-Mỹ sẽ diễn ra hôm 4/4 ở thủ đô của Bỉ. Cuộc họp này đánh dấu 1 năm ngày thành lập lực lượng đặc nhiệm an ninh năng lượng chung mà Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khởi xướng vào tháng 3/2022.
Dự kiến tại cuộc họp ở Brussels, cả EU và Mỹ đều cam kết đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050. Hai bên sẽ thảo luận về cách đảm bảo an ninh năng lượng đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh.
https://petrovietnam.petrotimes.vn/