English
  • asda

Tin Thị trường: Giá dầu tiếp tục giảm do lo ngại về nhu cầu

Giá dầu thế giới tiếp tục giảm do lo ngại về nhu cầu vẫn hiện hữu; Dầu thô Na Uy trở thành điểm tựa cho các nhà máy lọc dầu EU...

Giá dầu tiếp tục giảm do lo ngại về nhu cầu

Lo ngại về nhu cầu lớn hơn lo ngại về nguồn cung trong tuần này đã đẩy giá dầu đi xuống, được củng cố bởi kỳ vọng tăng lãi suất của Mỹ nhiều hơn đã nâng giá trị đồng USD lên.

Sáng 20/4, giao dịch dầu ở châu Á ghi nhận giảm ngày thứ ba trong số 4 ngày qua, mặc dù Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) báo cáo tồn kho giảm 4,6 triệu thùng trong tuần tính đến ngày 14/4, so với mức tăng khiêm tốn trong tồn kho dầu thô của tuần trước ở mức 600.000 thùng. Tuy nhiên, trong tuần trước đó, EIA đã ước tính mức giảm 3,7 triệu thùng.

Trước đó, Fed đã nhiều lần chỉ ra rằng việc tăng lãi suất sẽ không được thực hiện. Có vẻ như có những kỳ vọng về ít nhất một đợt tăng lãi suất nữa sẽ được công bố vào tháng tới trước khi Fed tạm dừng các biện pháp kiểm soát lạm phát.

Priyanka Sachdeva, nhà phân tích tại công ty môi giới Phillip Nova, nói với Bloomberg: "Khi bài bình luận của Fed cho thấy các đợt tăng lãi suất tiếp theo, những rắc rối kinh tế dường như là không thể tránh khỏi. Tia hy vọng duy nhất ở đây là sự trỗi dậy trở lại của Trung Quốc, dự kiến sẽ đủ quan trọng để vượt qua nhu cầu giảm sút từ phương Tây".

Edward Moya của OANDA nói với Reuters: "Dầu thô WTI đã quay trở lại dưới mức 80 USD/thùng và có thể tiếp tục giảm xuống nếu giao dịch bằng đồng USD mạnh trở lại".

Dầu thô Na Uy trở thành điểm tựa cho các nhà máy lọc dầu EU

Sự thay đổi liên tục trong dòng chảy thương mại dầu mỏ sau lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với xuất khẩu của Nga là một thắng lợi lớn đối với dầu thô của Na Uy.

Dầu thô Johan Sverdrup của Na Uy hiện là lựa chọn hàng đầu cho các nhà máy lọc dầu châu Âu, từng dựa hầu hết vào dầu Urals của Nga, trước khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine.

Dầu thô từ mỏ Johan Sverdrup, đi vào hoạt động trong năm 2019, có chất lượng tương tự như dầu Urals của Nga và ngày càng được chuyển đến các khách hàng châu Âu trong năm qua thay vì điểm đến châu Á. Trong khi đó, theo dữ liệu theo dõi tàu chở dầu được Reuters trích dẫn, dầu Urals hiện đang hướng tới châu Á và không còn xuất sang châu Âu sau khi EU cấm nhập khẩu dầu từ Nga.

Từ đầu năm cho đến nay, chỉ có 2 triệu thùng dầu thô Johan Sverdrup đến châu Á, so với 100 triệu thùng vào năm 2021, theo các số liệu của Refinitiv Eikon.

Loại dầu Johan Sverdrup và Urals, tương tự nhau về hàm lượng và tỷ trọng, hiện đã hoán đổi điểm đến hàng đầu trước đây, cho thấy sự thay đổi lớn trong dòng chảy dầu thô toàn cầu kể từ khi phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt đối với dầu của Nga.

Thị trường dầu mỏ đang hiểu sai việc cắt giảm của OPEC+

Xuất khẩu dầu thô của Nga vẫn ổn định bất chấp lệnh trừng phạt. Bất chấp thông báo cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày của Moscow, lượng dầu thô của Nga trong tháng 3 vẫn ổn định so với tháng trước ở mức 3,6 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, đã có sự gia tăng đáng kể về lượng dầu diesel của Nga, với 400.000 thùng/ngày so với tháng trước, lên mức cao đặc biệt 1,5 triệu thùng/ngày vào tháng trước.

Sự gia tăng tải dầu diesel một phần là do lượng dầu này bị hoãn lại từ tháng 2. Tuy nhiên, nó vẫn ở mức cao nhất trong nhiều năm và đang đóng góp vào sự năng động của thị trường toàn cầu.

Trong bối hiện tại, có thể hiểu rằng các nhà khai thác OPEC+ sẽ thận trọng về giá dầu trong tương lai gần và nhắm đến một mức tránh được các vấn đề về ngân sách. Mặc dù giá hòa vốn của hầu hết các quốc gia khai thác dầu đã giảm, nhưng các quốc gia trong OPEC+ đang tính đến viễn cảnh ảm đạm về suy thoái kinh tế toàn cầu và điều chỉnh sản lượng của họ để phù hợp với động lực cung cầu của thị trường.

Nhà phân tích Osama Rizvi tại Primary Vision cho rằng thị trường đang hiểu sai về việc cắt giảm sản lượng. OPEC+ đã nói rõ rằng họ không lường trước được nhu cầu mạnh mẽ, họ nhận thấy thị trường sẽ thừa cung và họ không muốn gặp phải các vấn đề ngân sách mà họ phải đối mặt trong năm 2014 và kỷ nguyên Covid-19.

https://petrovietnam.petrotimes.vn/

Copyright © 2018 PVOIL. All right reserved. Designed by Cánh Cam.

TOP